‘Mộ đom đóm’: Câu chuyện về vẻ đẹp chắt lọc từ nỗi đau

Tin điện ảnh: Ngay từ những frame hình đầu tiên, ‘Mộ đom đóm’ đã cuốn người xem vào một câu chuyện đầy bi thương, chua xót mà cũng không kém phần xúc động.

Tác phẩm “Mộ đom đóm” của nhà văn Akiyuki Nosaka (1930 – 2015), ông khởi nghiệp từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ 20. Akiyuki Nosaka viết truyện ngắn Hotaro no Haka vào năm 1967, hơn 20 năm sau ngày Chiến tranh Thế giới thứ hai chính thức kết thúc, khép lại một trang lịch sử đầy đau thương trên đất nước mặt trời mọc.

Chân dung nhà văn Akiyuki Nosaka.

Năm 1988, Hotaru no Haka được chuyển thể thành hoạt hình bởi Studio Ghibli với vị trí đạo diễn được giao cho Isao Takahata. Ông đã tái hiện lại một phần quá khứ của Nosaka thành 90 phút phim đầy ám ảnh về mất mát và đau thương trong Hotaru no Haka.

Mộ đom đóm là câu chuyện chua xót nhưng cảm động về tình anh em của hai đứa trẻ Seita và Setsuko. Mất đi người mẹ yêu quý trong một cuộc thả bom dữ dội của không quân Mỹ trong khi người cha đang ở xa phụng sự đất nước, hai anh em phải vật lộn với nạn đói giữa sự thờ ơ, ghẻ lạnh của những người hàng xóm, họ hàng.

Hai anh em Seita và Setsuko

Những uất ức cứ ngày một chất chồng khiến Seita quyết định mang em gái mình vào sâu trong núi. Hai anh em ở lại trong một hang đá, tự xoay sở tìm cách nuôi lấy nhau. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, thực phẩm khan hiếm, Seita ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiếm thức ăn về nuôi Setsuko. Một ngày kia, khi Seita mang thức ăn về, thì Setsuko đã thiếp ngủ, và không bao giờ tỉnh lại nữa.

Với Seita, chiến tranh không chỉ khiến cậu mất đi cha mẹ, nó còn gián tiếp bắt cậu phải học cách bất mãn, thù ghét mọi người. Đỉnh điểm của sự phát triển tiêu cực ấy là việc Seita mang Setsuko vào trong núi, dù biết rằng cậu không thể tự mình nuôi dưỡng cô bé. Hành động tách mình khỏi cộng đồng ấy vừa là cơn giận giữ không thể xoa dịu, vừa là niềm kiêu hãnh bị tổn thương, và còn hàm chứa trong đó cả sự bất lực đến tuyệt vọng của một chú bé khi cất tiếng cầu xin mà không ai trả lời.

Seita phải trả giá cho niềm kiêu hãnh của bản thân bằng cái chết của em gái mình

Đời sống khó khăn trong chiến tranh không chỉ khiến Seita quay lưng với cộng đồng, nó còn buộc cậu bé phải tìm đủ mọi cách để sinh tồn – bao gồm cả việc trộm cắp từ những gia đình mà cậu biết rõ họ cũng chẳng còn lại gì.

Trái ngược với Seita, cô em gái Setsuko lại là biểu tượng cho phần ngây thơ trong sáng bị chiến tranh huỷ diệt. Không có khả năng tự vệ, không thể tự nuôi sống bản thân, em bé Setsuko chỉ biết trông cậy vào sự chăm sóc của Seita. Trong cảnh thiếu thốn mọi bề, thậm chí cả nỗi cô đơn bị bỏ lại giữa rừng khi Seita đi tìm thức ăn, Setsuko đã tạo ra cho riêng em một thế giới tưởng tượng bằng những hình vẽ nghuệch ngoạc, bằng những đám tang đom đóm, bằng những câu chuyện tưởng ngô nghê nhưng hoá ra lại ẩn chứa những lời dự báo về tương lai đầy bi kịch.

Loading...
Hai anh em chơi đùa với những con đom đóm

Giấc mơ của em cũng không có gì nhiều, chỉ là em được ăn no, được mặc ấm, và có lại gia đình mình… Setsuko cứ mãi ngây thơ tin vào những điều kì diệu ấy, bởi em còn quá nhỏ để hiểu thấu chiến tranh, cái chết hay nỗi đau.

Chiến tranh biến Seita thành đứa trẻ chai sạn trong tâm hồn, rồi chiến tranh giết chết Setsuko trong chính giấc mơ của cô bé. Setsuko chết vì suy dinh dưỡng, cạn kiệt lực sống như những con đom đóm mà cô bé từng chôn cất trước kia. Không ai giúp cô bé, cũng như không ai giúp Seita. Chỉ có người anh tự an táng cho em gái mình. Cậu đặt em gái vào trong một chiếc hộp cùng những viên bi thuỷ tinh, chôn chiếc hộp xuống một cái huyệt tự đào tạm bợ, rồi ra đi.

Em bé Setsuko lả đi vì đói và bệnh tật

Quá khứ của cậu đã nằm lại mãi mãi bên trong chiếc hộp ấy, trong trái tim Setsuko đã ngừng đập. Giờ đây cậu buộc phải bước chân quay lại thế giới mà từ đó, cậu mang em gái mình ra đi.

Câu chuyện về hai anh em Seita và Setsuko vừa là “một định nghĩa khác về nhân tính”, vừa là một tác phẩm mang tinh thần phản chiến mạnh mẽ, ngang hàng với Schindler’s List.

Loading...